Ngày nay bệnh Đái tháo đường được biết đến như một bệnh mãn tính không lây có mức độ phát triển nhanh chóng nhất tại những nước Châu Á. Nếu như tỉ lệ tăng lên của bệnh Đái tháo đường trên thế giới trong vòng 10 năm trở lại đây là 70 % thì tại khu vực Châu Á tỉ lệ này lên đến 211%. Số liệu thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF) năm 2017 cho thấy, Việt Nam có khoảng 3,53 triệu người đang chung sống với bệnh đái tháo đường (hay còn gọi là tiểu đường). Đáng chú ý, hiện nay, có tới 70% người Việt nam mắc bệnh đái tháo đường chưa được chẩn đoán. Thậm chí, trong số người đã phát hiện bệnh, chỉ có gần 29% được điều trị tại các cơ sở y tế.Theo dự đoán, đến năm 2045, nước ta sẽ có tới 6,3 triệu người mắc căn bệnh này, tăng xấp xỉ 79%. Tỉ lệ người mắc bệnh đái tháo đường đang tăng chóng mặt và ngày càng trẻ hóa. Theo đó, rất nhiều người trong độ tuổi 25-30 mắc bệnh mà không biết, có những trường hợp trẻ em mới 12, 13 tuổi đã mắc bệnh.
Bệnh Đái tháo đường có thực sự nguy hiểm hay không?
Bệnh Đái tháo đường không nguy hiểm và yêu cầu chi phí điều trị quá đắt đỏ tuy nhiên những biến chứng gây ra bởi bệnh Đái tháo đường lại gây ra gánh nặng to lớn cho người bệnh và người nhà của người bệnh cũng như xã hội.
Bệnh Đái tháo đường là một bệnh lý mãn tính không lây được căn cứ chẩn đoán bằng chỉ số đường huyết khi đói, chỉ số đường huyết sau ăn 2h, chỉ số HbA1C hoặc thực hiện nghiệm pháp dung nạp đường
Theo như các tài liệu y tế một người bình thường khỏe mạnh sẽ có các chỉ số sinh hóa máu bình thường như sau: Chỉ số đường huyết lúc đói nằm trong khoảng 4.5 mmol/l đến 5.5mmol/l. Chỉ số đường huyết sau ăn không vượt quá 10mmol/l. Chỉ số HbA1C nằm trong khoảng 4-5.6%
Theo hướng dẫn chẩn đoán Đái tháo đường của hiệp hội Đái tháo đường Mỹ một người sẽ được chẩn đoán mắc bệnh căn cứu vào một trong 4 tiêu chuẩn như sau:
- Chỉ số đường huyết lúc đói (nhịn ăn đủ tối thiểu 8h, không uống các loại nước có đường, chỉ uống nước lọc hoặc nước đun sôi để nguội) ≥ 7mmol/l (126mg/dl)
- Chỉ số đường huyết sau ăn 2 giờ làm nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống (người bệnh nhịn đói từ nửa đêm trước khi làm nghiệm pháp, dùng lượng glucose tương đương 75g glucose hòa tan trong từ 250-300 ml nước, uống trong 5 phút) ≥ 11.2 mmol/l (200mg/dl)
- HbA1C ≥ 6.5%
- Hoặc kiểm tra mức đường huyết tại thời điểm bất kỳ thấy chỉ số lớn hơn 11.1 mmol/l (200mg/dl) thì khi đó người bệnh mắc bệnh Đái tháo đường.
Có rất nhiều những người bệnh đái tháo đường không biết là mình mắc bệnh cho đến khi có những triệu chứng ồ ạt của việc tăng đường huyết kéo dài như: cảm giác đói liên tục, cảm giác khát liên tục, ăn nhiều, uống nhiều nhưng lại sút cân không rõ nguyên nhân đến lúc đó có thể sẽ phát hiện kèm theo rất nhiều các biến chứng.
Ngược lại với những người bàng quan với chính sức khỏe của mình, có những người rất cẩn trọng theo dõi sức khỏe của mình rất cẩn thận nhờ vậy mà phát hiện sớm ngay từ giai đoạn Tiền đái tháo đường, chính vì vậy đã kịp thời điều chỉnh các vấn đề liên quan đến ăn uống, vận động và ngăn chặn quá trình tiến triển bệnh thành Đái tháo đường ngăn ngừa các biến chứng có nguy cơ xảy ra.
Phát hiện sớm Đái tháo đường từ giai đoạn Tiền đái tháo đường
Bộ Y tế Việt nam quy định trong việc chẩn đoán Tiền đái tháo đường căn cứ trên những chỉ số: Chỉ số đường huyết lúc đói từ 6 mmol/l đến 6.9 mmol/l (tương đương 100mg/dl đến 125 mg/dl). Chỉ số đường huyết sau khi làm nghiệm pháp dung nạp đường từ khoảng 7.8mmol/l đến 11mmol/l (tương đương 140-199 mg/dl) hoặc HbA1C từ 5.7% đến 6.4%
Ngay khi phát hiện ra tình trạng Tiền đái tháo đường nhiều bệnh nhân cảm thấy hết sức may mắn bởi vẫn còn cơ hội để điều chỉnh chữa lành cho bản thân ngăn chặn quá trình tiến triển của bệnh lên thành Đái tháo đường.
Những người có yếu tố nguy cơ cao mắc phải Đái tháo đường nên tầm soát chỉ số đường máu một cách thường xuyên (3 tháng/lần) để phát hiện sớm từ giai đoạn Tiền Đái tháo đường:
Những người thừa cân hoặc béo phì (chỉ số BMI ≥ 23), đặc biệt là mập phì vùng bụng (vòng eo > 80cm ở phụ nữ hoặc > 90cm ở đàn ông). Có người nhà có yếu tố liên quan về huyết thống bị đái tháo đường. Đã từng sinh con ≥ 4kg, hoặc đã được chẩn đoán Đái tháo đường trong thai kỳ, có bệnh tăng huyết áp (huyết áp ≥ 140/90 mmHg). Có tình trạng rối loạn chuyển hóa Lipid máu.
Chỉ số HbA1C – hoa tiêu dẫn đường cho việc kiểm soát chỉ số Glucose máu
Cho dù là Đái tháo đường hay Tiền đái tháo đường chỉ số HbA1C cũng là một chỉ số hết sức quan trọng để đánh giá mức độ của bệnh và mức độ kiểm soát chỉ số đường huyết dài hạn của người bệnh. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc giảm 1% chỉ số HbA1C giúp giảm được 21% nguy cơ tử vong, 14% biến chứng tim mạch, 37% biến chứng mạch máu nhỏ và 43% biến chứng mạch máu ngoại vi.
HbA1C: là phức hợp gắn giữa Hemoglobin và Glucose (phân tử đường) vì vậy chỉ số này thể hiện cho việc đường huyết có được kiểm soát tốt hay không. Đơn vị của chỉ số này là % là bởi chỉ số HbA1C là tỷ lệ % lượng Hồng cầu bị gắn với phân tử Glucose. Phức hợp này tồn tại cùng với sự tồn tại đời sống của Hồng cầu (hồng cầu tồn tại trung bình từ 90-120 ngày) chính vì vậy HbA1C thể hiện cho mức trung bình đường huyết trong vòng 3 tháng gần nhất, đó là lý do tại sao bác sỹ yêu cầu bệnh nhân kiểm tra chỉ số HbA1C 3 tháng/lần. Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ đã đưa ra công thức chuyển đổi chỉ số HbA1C từ đơn vị % sang chỉ số ước tính về mức đường huyết trong máu bằng công thức như sau:
Chỉ số đường huyết ước tính = 28.7 x HbA1C – 46.7
Ví dụ nếu chỉ số HbA1C của một người bình thường là 6% thì chỉ số đường huyết ước tính của họ là
28.7 x 6 – 46.7 = 125,5 mg/dl
Khi chỉ số HbA1C tăng 1% lúc đó ước tính chỉ số glucose trong máu tăng lên 29 mg/dl
Việc kiểm soát không tốt chỉ số đường huyết lúc đói và chỉ số đường huyết sau ăn tác động lên chỉ số HbA1C như thế nào đã được nghiên cứu đánh giá cho thấy: đối với bệnh nhân có mức HbA1C trên 9.5% thì mức độ đóng góp của chỉ số đường huyết lúc đói là 80% trong khi đó đối với những bệnh nhân có mức HbA1C dưới 8.5% thì mức độ đóng góp của chỉ số đường huyết lúc đói là 76%. Những kết quả này cho thấy việc tăng đường huyết lúc đói chính là nguyên nhân chính đóng góp vào việc tăng lên của chỉ số HbA1C. Tuy nhiên không phải vì vậy mà chỉ số đường huyết sau ăn không quan trọng, cụ thể càng tiệm cận với chỉ số HbA1C mục tiêu hay nói cách khác chri số HbA1C càng thấp thì tỷ lệ đóng góp về ảnh hưởng của chỉ số đường huyết sau ăn tới chỉ số HbA1C càng nhiều. Một nghiên cứu khác của Wall và cộng sự đánh giá trên 160 người cho thấy rằng khi chỉ số HbA1C là 6.2% thì chỉ số đường huyết sau ăn gây ra mức độ ảnh hưởng đến 80% tới chỉ số HbA1C. Một nghiên cứu khác của Deport và cộng sự cho thấy chỉ số đường huyết sau ăn 2h tỷ lệ thuận với nguy cơ tử vong do vấn đề tim mạch. Đồng thuận với những nghiên cứu đã công bố trên thế giới các nhà lâm sàng và bác sỹ đã thấy rằng việc kiểm soát chỉ số HbA1C làm giảm đáng kể nguy cơ gặp phải các biến chứng mạch máu nhỏ và mạch máu lớn. Do vậy để đạt được mục tiêu kiểm soát chỉ số HbA1C thì việc kiểm soát chỉ số đường huyết lúc đói và đường huyết sau ăn đều rất quan trọng đối với người bệnh đái tháo đường và tiền đái tháo đường. Không như chúng ta vẫn nhầm lẫn rằng chỉ có chỉ số đường huyết lúc đói là quan trọng, ngược lại một lần nữa khẳng định khi HbA1C càng tiệm cận với chỉ số mục tiêu thì khi đó chỉ số đường huyết sau ăn 2h càng quan trọng. Đặc biệt đối với người tiền đái tháo đường, chỉ số đường huyết sau ăn tác động lớn đến mức độ tiến triển của bệnh. Những nghiên cứu độc lập đa biến tiếp tục được thực hiện nhằm đánh giá mức độ ảnh hưởng cụ thể của mức đường huyết sau ăn lên nguy cơ tử vong của người bệnh, cũng cho thấy các kết quả hoàn toàn tương tự: Chỉ số đường huyết sau ăn có vai trò dự báo một cách độc lập tới nguy cơ tử vong do tim mạch và tử vong do mọi nguyên nhân.
Kiểm soát chỉ số đường huyết sau ăn – nhiệm vụ quan trọng của người Tiền Đái Tháo Đường
Đối với người Tiền đái tháo đường nhiệm vụ quan trọng bậc nhất đó là kiểm soát chỉ số đường máu sau ăn, để đạt được mục tiêu này cần xác định được mức tiêu thụ cơ bản của cơ thể để có thể điều chỉnh chế độ ăn phù hợp. Công thức tính Kcal cần thiết cho cơ thể được tính toán như sau:
Lượng năng lượng Kcal cần thiết cho hoạt động cơ thể hằng ngày = mức tiêu thụ cơ bản x số kilogram cân nặng. (đối với người trưởng thành lao động bình thường thì mức tiêu thụ cơ bản được xác định là 25 Kcalo)
Như vậy đối với người nặng 50 kg mỗi ngày mức năng lượng tiêu thụ cơ bản là 25 Kcalo x 50 kg = 1250 Kcalo.
Dưới đây là thực đơn và lịch trình các bữa ăn trong ngày để hạn chế việc tăng đường huyết quá mức sau ăn:
Bằng việc tính toán được chỉ số Kcal tiêu thụ trung bình của cơ thể hằng ngày và nắm được lượng Kcal của các món ăn chúng ta có thể kiểm soát được chế độ ăn phù hợp để kiểm soát chỉ số đường huyết sau ăn một cách hiệu quả nhất.
Có một cách thức đơn giản để ước lượng phần ăn một cách dễ dàng như sau:
Lượng thức ăn chứa tinh bột lượng bằng nắm tay Rau xanh, củ quả không chứa tinh bột: lượng bằng hai tay ôm Lượng thức ăn chứa đạm, protein: nằm gọn trong lòng bàn tay độ dày bằng ngón tay út Lượng thức ăn chất béo: bằng đầu ngón tay cái.
Chế độ luyện tập – yếu tố quan trọng trong việc kiểm soát chỉ số đường máu
Các nghiên cứu đã chỉ ra lợi ích thiết thực và rõ ràng của việc tập luyện thể dục đối với chỉ số đường huyết sau khi ăn, chính vì vậy lên kế hoạch một chế độ luyện tập phù hợp là hết sức cần thiết đối với người bị tiền đái tháo đường.
Lợi ích của việc tập luyện thường xuyên như sau: Giảm các yếu tố nguy cơ tim mạch, hỗ trợ tốt cho chế độ ăn giảm cân, cải thiện kiểm soát đường huyết , giảm sử dụng/nhu cầu của các thuốc hạ đường huyết hoặc In-su-lin Ngoài ra việc này còn giúp tăng cường thể lực, cải thiện chất lượng cuộc sống và tình trạng khỏe mạnh nói chung, làm giảm nồng độ In-su-lin nền và sau ăn, cải thiện sự nhạy cảm của In-su-lin, cải thiện lipid máu, cải thiện huyết áp nhẹ và trung bình, giúp tăng sử dụng năng lượng, sức cơ và độ dẻo dai.
Lên kế hoạch tập luyện: Hoạt động thể lực mức trung bình ( đạt 50-75% nhịp tim tối đa) ít nhất 150 phút/ tuần, thực hiện ít nhất 3 ngày/tuần. Chúng ta không nên nghỉ tập quá 2 ngày liên tục. Căn cứ trên thể lực có thể gia tăng dần cường độ và thời gian tập luyện, không tập cường độ mạnh ngay từ khi mới bắt đầu. Nếu không có các chống chỉ định do các bệnh lý mắc kèm, chúng ta nên luyện tập các bài kháng lực ( tập với máy hoặc nâng tự do ) ít nhất 2 lần/tuần.
Để có thể tự xác định được tần suất, mức độ và thời gian của các bài tập nên căn cứ trên nhịp tim khi luyện tập, ở những người tuổi trên 60 tuổi nhịp tim khi luyện tập là khoảng 100 nhịp/phút còn đối với những người dưới 60 tuổi nhịp tim có thể khoảng 120 nhịp/phút. Các xác định nhịp tim có thể đo bằng các thiết bị y tế gia đình như máy đo huyết áp điện tử hoặc tự xác định bằng cách bắt mạch và đếm nhịm trong 1 phút (các thức thực hiện đếm nhịp: đặt 2 ngón tay ngón trỏ và ngón giữa lên ngang cổ tay, cứ một lần thấy nhịp nổi lên là tính một nhịp, đếm trong vòng 1 phút).
Trong những trường hợp đặc biệt, ngay khi cảm thấy vã mồ hôi, chân tay bủn rủn, mắt hoa, đau đầu thì cần kết thúc tập luyện ngay, ngồi nghỉ ngơi, giữ nhịp thở đều đặn hoặc yêu cầu ngay trợ giúp về y tế.
Bệnh lý mắc kèm
Nếu đang mắc kèm với một số bệnh lý khác, và tình trạng tăng đường huyết cấp tính do các bệnh lý mắc kèm thì điều tiên quyết là phải điều tri tích cực các bệnh lý mắc kèm. Hiện tượng tăng đường huyết cấp tính hoặc tăng HbA1C cấp tính có thể gây ra bởi các bệnh lý liên quan đến tạo máu: bệnh thận mạn tính, bệnh hồng cầu hoặc ngay cả tình trạng mất ngủ hoặc stress kéo dài cũng có thể gây ra vấn đề gây tăng đường máu cấp tính. Các bệnh lý chuyển hóa như tăng huyết áp hoặc rối loạn lipid máu cũng có thể là nguyên nhân kéo theo tình trạng tăng đường máu. Ở những trường hợp này việc rất cần thiết là phải điểu tri tích cực các bệnh lý đang kèm theo.
Dao động đường máu quá mức
Đánh giá đường máu dao động cũng có thể là nguyên nhân gây ra ngay lập tức những nguy cơ biến chứng cấp tính và mãn tính. Có nhiều trường hợp mặc dù đang chỉ ở giai đoạn tiền đái tháo đường tuy nhiên những biến chứng cấp tính như hôn mê, tụt đường huyết lại xảy ra và những biến chứng mạn tính đã diễn ra một cách âm thầm. Việc theo dõi mức độ dao động đường huyết cần được tiến hành tại nhà. Việc đo chỉ số này được tiến hành như sau: Theo dõi bằng các thiết bị đo đường huyết mao mạch (các máy đo đường máu ngón tay) vào các thời điểm: 6h sáng, 9h sáng, 11h sáng, 14h, 17h, 21 h. Việc theo dõi và ghi chép lại những kết quả đo được trong vòng 2-3 ngày liên tục sẽ cho ta một cái nhìn tổng quan về chỉ số đường máu của cơ thể. Nếu sự chênh lệc về chỉ số đường máu lên cao hơn 6-7mmol/l lúc đó cần báo lại với bác sỹ để có những lời khuyên về điều chỉnh chế độ ăn, chế độ sinh hoạt một cách phù hợp và sử dụng thuốc nếu cần.
Trên đây là những thông tin cần thiết cho người tiền đái tháo đường, thật may mắn chúng ta đã nắm trong tay cơ hội ngăn chặn bệnh lý đái tháo đường bằng cách phát hiện ra sớm. Một chế độ ăn khoa học, chế độ tập luyện phù hợp và một số các sản phẩm hỗ trợ có thể giúp ngăn chặn tiến triển từ giai đoạn tiền đái tháo đường sang đái tháo đường giúp tiết kiệm chi phí điều trị, bảo vệ sức khỏe cũng như ngăn ngừa những nguy cơ biến chứng từ trong trứng nước.